Các loại trầm cảm thường gặp


Trầm cảm có nhiều loại khác nhau, trong đó một nhóm trầm cảm thường biểu hiện dưới dạng các triệu chứng bệnh cơ thể thuộc lĩnh vực nội khoa.

- Trầm cảm nặng: bao gồm khó ngủ, thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng, mất năng lượng và cảm thấy bản thân vô giá trị. Người bệnh có thể suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử. Bệnh lý trầm cảm kéo dài trên 2 tuần, gây sự đau buồn, trở ngại đối với hoạt động hàng ngày. Cùng với những triệu chứng của trầm cảm bệnh nhân còn có hoang tưởng và ảo giác kèm theo. Bệnh nhân thường có hoang tưởng nghi bệnh và hoang tưởng tự buộc tội.

- Trầm cảm nhẹ: xuất hiện đơn độc, không gây cảm giác đau khổ, không gây trở ngại đáng kể với hoạt động hàng ngày, thường kéo dài ít nhất 2 tuần; không có hiện tượng hoang tưởng, ảo giác.

- Rối loạn lưỡng cực: Chứng rối loạn lưỡng cực hay còn gọi là bệnh hưng trầm cảm, những người mắc rối loạn lưỡng cực sẽ tái diễn nhiều đợt và có thể xen kẽ với giai đoạn hưng cảm. Giữa các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm là thời kỳ khí sắc bình ổn hoàn toàn. Loại trầm cảm này còn được gọi là bệnh loạn thần hưng trầm cảm. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam nữ gần như nhau, sau tuổi trung niên thì giai đoạn trầm cảm thường xuất hiện nhiều hơn giai đoạn hưng cảm và kéo dài hơn. Các triệu chứng bệnh hưng trầm cảm trông không giống như các triệu chứng trầm cảm khác như suy nghĩ phi thực tế, giảm nhu cầu ngủ và hoạt động ở tốc độ cao hơn, theo đuổi những niềm vui như tình dục, chi tiêu phung phí và mạo hiểm. Việc trở nên hưng cảm có thể mang lại cảm giác tuyệt vời nhưng nó không kéo dài, có thể dẫn đến hành vi tự hủy hoại và thường đi kèm với một giai đoạn trầm cảm khác.

- Trầm cảm tái diễn: Biểu hiện giống như loại trầm cảm nặng và trầm cảm nhẹ đã nêu trên nhưng không xuất hiện đơn độc mà tái diễn nhiều đợt trong đời người. Giai đoạn trầm cảm kéo dài từ 3 - 12 tháng, trung bình 6 tháng. Bệnh thường khởi phát chậm, thường gặp ở độ tuổi từ 50. Phần lớn bệnh được phục hồi hoàn toàn và tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm loại này ở nữ ghi nhận gấp đôi nam.

- Trầm cảm nặng và tái diễn: Gần giống như các bệnh trước kia gọi là trầm cảm, trầm uất, loạn thần hưng trầm cảm, trầm cảm sinh thể, trầm cảm nội sinh. Trong đời, con người ít nhất thường có hai giai đoạn trầm cảm nặng hay nhẹ tái diễn, mỗi giai đoạn thường kéo dài trên 2 tuần, giữa hai giai đoạn trầm cảm phải có một thời kỳ lành bệnh ít nhất 6 tháng.

- Rối loạn trầm cảm dai dẳng: Liên tục biểu hiện, đơn độc nhưng kéo dài, thường khéo dài ít nhất hai năm, người bị rối loạn trầm cảm dai dẳng vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng luôn cảm thấy mệt mỏi và không vui. Các triệu chứng khác có thể bao gồm thèm ăn và mất ngủ, không có năng lượng, động lực sống thấp hoặc vô vọng.  Bệnh có thể nặng lên và tiến triển như rối loạn trầm cảm tái diễn hay xen kẽ với các giai đoạn hưng cảm.

- Ngoài ra, còn có hình thái trầm cảm không điển hình gọi là trầm cảm ẩn. Những triệu chứng của trầm cảm ẩn biểu hiện bệnh bằng các triệu chứng cơ thể như đau ống tiêu hóa, bệnh nhân hay đi khám xét  bệnh về dạ dày, đại tràng nhiều lần nhưng không phát hiện ra tổn thương ống tiêu hóa. Bệnh nhân có cảm giác đau vùng trước tim, cảm giác đau rất mơ hồ ở ngực trái và bệnh nhân đã đi khám tim mạch như siêu âm tim, điện tim nhưng kết quả tim mạch hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân đau xương, đau cơ, đau bả vai, đau tiết niệu đau sinh dục…Bệnh nhân rất lo lắng về bệnh tật, luôn đi khám và điều trị ở nhiều chuyên khoa khác nhau như tim mạch, tiết niệu, tiêu hóa, thần kinh, xương khớp nhưng bệnh không thuyên giảm với những điều trị đặc hiệu của những chuyên khoa này.

- Trầm cảm ở người cao tuổi: Ở người cao tuổi trầm cảm có thể kèm theo rối loạn nhận thức như rối loạn chú ý, rối loạn trí nhớ. Bệnh nhân thường quên nhiều, đặc biệt là quên những sự việc mới xẩy ra (giảm trí nhớ gần), còn gọi là mất trí giả. Khi bệnh nhân được điều trị thì trí nhớ hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân có thể có hoang tưởng nghi bệnh, họ cho rằng mình bị bệnh nặng, bệnh nan y như ung thư, xơ gan, bệnh tim mạch nặng…

- Trầm cảm ở người vị thành niên: Theo tổ chức y tế thế giới lứa tuổi vị thành niên là từ 10 - 19 tuổi. Các triệu chứng trầm cảm ở người vị thành niên cũng giống như người lớn nhưng có một vài điểm khác biệt sau.

+ Cảm xúc thường bị kích thích (chứ không trầm) vẻ mặt bệnh nhân cáu giận... Khả năng kiềm chế cảm xúc rất thấp vì vậy rất dễ nổi khùng trước một kích thích không vừa ý dù là rất nhỏ.

+ Mất ngủ nhiều, có thể thức trắng đêm nên bệnh nhân dễ lạm dụng game, internet. Người bệnh thường lang thang trên mạng suốt đêm nên thường xuyên mệt mỏi. Khó tập trung chú ý, trí nhớ kém vì vậy học hành thường giảm sút.

+ Hay có ý định và hành vi tự sát.

- Trầm cảm sau sinh: Loại trầm cảm này bao gồm các giai đoạn trầm cảm lớn và nhỏ xảy ra trong thai kỳ hoặc trong 12 tháng đầu sau khi sinh. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến 1/7 phụ nữ sau sinh và có những tác động tàn phá đối với phụ nữ, trẻ sơ sinh và gia đình họ. Phương pháp điều trị thường là tư vấn và sử dụng thuốc đặc trị.

Biểu hiện:

+ Rối loạn Cảm xúc: Khí sắc trầm kéo dài, cảm giác không xứng đáng, thất bại, bất lực, tuyệt vọng, kiệt sức, trống rỗng, buồn rầu, chực khóc, cảm giác tội lỗi, hối hận, vô giá trị. Lẫn lộn, lo âu, hoảng sợ. Sợ đứa trẻ, sợ mất trẻ. Sợ ở một mình, sợ đi ra ngoài

+ Rối loạn hành vi: Mất quan tâm thích thú trong các hoạt động thường ngày. Giảm sinh lực và động cơ. Ngại giao tiếp xã hội. Ít chăm sóc bản thân. Không có khả năng xử lý các công việc thường ngày

+ Rối loạn suy nghĩ: Suy nghĩ kém minh mẫn, không thể quyết định việc gì. Kém tập trung chú ý, giảm trí nhớ. Trốn tránh mọi thứ. Sợ bị chồng bỏ rơi. Lo lắng về sự tổn hại hoặc cái chết của chồng, con. Có ý nghĩ về tự sát. 

+ Suy sụp về thể chất: Mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ nhiều hay có ác mộng, ăn không ngon miệng, gầy sút cân.

- Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD): Loại trầm cảm này thường xuất hiện vào mùa thu và mùa đông. Rối loạn cảm xúc theo mùa xảy ra khi nhịp điệu tự nhiên của cơ thể thay đổi, sự nhạy cảm của mắt với ánh sáng hoặc khi các chất serotonin và melatonin trong cơ thể hoạt động. Phương pháp điều trị hàng đầu của chứng bệnh này là liệu pháp ánh sáng khi ngồi gần một nguồn ánh sáng đặc biệt mạnh hoặc các phương pháp điều trị trầm cảm thông thường như liệu pháp tâm lý và thuốc.

- Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD): Loại trầm cảm này là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Các triệu chứng của PMDD thường bắt đầu ngay sau khi rụng trứng và kết thúc sau khi bắt đầu có kinh nguyệt. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft) có thể làm giảm các triệu chứng của chứng bệnh này.

Các triệu chứng trầm cảm có thể xảy ra vì nhiều lý do. Nếu bạn đang trải qua những thay đổi về tâm trạng hoặc nhận thức kéo dài hơn một vài tuần, bạn nên tham vấn với chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Trực tiếp tư vấn MIỄN PHÍ TỪ XA các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện rượunghiện heroin, nghiện game, nghiện cờ bạc, trầm cảm, lo âu, loạn thần do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá (nghiện đá, ngáo đá), thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu – Điện thoại, Zalo, Viber 0988 079 038.